• Trang chủ
  • 55 điều hạ liệt, chịu phần tai hại - Lời Phật dạy.

    55 điều hạ liệt, chịu phần tai hại - Lời Phật dạy.

    0
    2284

    Năm mươi lăm pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.

    Thế nào là năm mươi lăm pháp hạ liệt, chịu phần tai hại?

    1. Bất chánh tác ý (Không như lý tác ý, tức là sự ngộ nhận, sự tư duy, suy xét, nhận thức, đánh giá, kết luận, quyết định không đúng, không tương ưng với chánh lý, chánh kiến, như thật).
    2. Hai pháp: Tính khó dạy, cố chấp, cứng đầu. Có bạn xấu. 
    3. Ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. 
    4. Bốn ách (cột buộc chúng sinh vào vòng sinh tử luân hồi): Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. 
    5. Năm tâm hoang vu: Nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Ðạo Sư; Đối với Pháp; Đối với Tăng; Đối với học Pháp; Tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. (Khi ấy người ấy sẽ không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là tâm hoang vu).
    6. Sáu bất cung kính pháp: Không cung kính, chống đối bậc Ðạo Sư; Không cung kính, chống đối với Pháp; Không cung kính, chống đối với Tăng; Không cung kính, chống đối với học pháp; Không cung kính, chống đối với bất phóng dật (không buông lung, không biếng nhác, chuyên cần); Không cung kính, chống đối sự tiếp đón niềm nở.
    7. Bảy phi diệu pháp: Bất tín, vô tàm (không tự mình cảm thấy xấu hổ, hối hận khi làm việc sai lầm, tội lỗi), vô quý (không tự mình không làm những việc sai lầm, tội lỗi), thiểu văn (ít học), giải đãi, thất niệm, ác tuệ (thiếu trí).  
    8. Tám giải đãi sự:
    8.1- Khi có việc ta phải làm. Ta nghĩ: "Có công việc ta sẽ phải làm. Nếu ta làm việc, thời thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được, như vậy là giải đãi sự thứ nhất.
    8.2- Khi một việc ta đã được làm. Ta nghĩ: "Ta đã làm một công việc. Do ta làm một công việc nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được, như vậy là giải đãi sự thứ hai.
    8.3- Với con đường ta phải đi. Ta nghĩ: "Khi ta đi con đường ấy, thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn... Như vậy là giải đãi sự thứ ba.
    8.4- Khi con đường ta đã đi. Ta nghĩ: "Ta đã đi con đường, do ta đã đi con đường nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn... Như vậy là giải đãi sự thứ tư.
    8.5- Khi ta đi khất thực ở làng hay tại đô thị không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Ta nghĩ: "Ta đi khất thực ở làng hay đô thị, không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta bị mệt mỏi không lợi ích gì. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn... Như vậy là giải đãi sự thứ năm.
    8.6- Khi ta đi khất thực tại làng hay thị xã nhận được các đồ ăn loại cứng hay đố ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Ta nghĩ: "Ta đi khất thức tại làng hay tại thị xã, nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta nặng nề, không làm được gì, như một nhóm đậu. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn... Như vậy là giải đãi sự thứ sáu.
    8.7- Khi ta bị đau bệnh nhẹ. Ta nghĩ: "Nay ta bị đau bệnh nhẹ, cần phải nằm nghỉ. Vậy ta nên nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn... Như vậy là giải đãi sự thứ bảy.
    8.8- Khi ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Ta nghĩ: "Ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Thân này của ta yếu đuối, không làm được việc gì, vậy ta hãy nằm xuống". Ta nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được. Như vậy là giải đãi sự thứ tám.
    9. Chín hại tâm:
    9.1- "Người ấy đã làm hại tôi", xung đột khởi lên.
    9.2- "Người ấy đang làm hại tôi", xung đột khởi lên.
    9.3- "Người ấy sẽ làm hại tôi", xung đột khởi lên.
    9.4- "Người ấy đã làm hại người tôi thương, người tôi mến", xung đột khởi lên.
    9.5- "Người ấy đang làm hại người tôi thương, người tôi mến", xung đột khởi lên.
    9.6- "Người ấy sẽ làm hại người tôi thương, người tôi mến", xung đột khởi lên.
    9.7- "Người ấy đã làm lợi cho người tôi không thương, không mến", xung đột khởi lên.
    9.8- "Người ấy đang làm lợi cho người tôi không thương, không mến", xung đột khởi lên.
    9.9- "Người ấy sẽ làm lợi cho người tôi không thương, không mến", xung đột khởi lên.
    10. Mười bất thiện nghiệp đạo: Sát sanh, thâu đạo (lấy của không được cho, trộm cắp), tà dâm, vọng ngôn (nói dối), lưỡng thiệt (hai lưỡi), ác khẩu, ỷ ngữ (phù phiếm, không lợi ích), tham, sân, tà kiến.

    Năm mươi lăm pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.

    - Trích Kinh Thập Thượng (Dasuttara sutta) -

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!