• Trang chủ
  • Gương hiếu hạnh Tôn giả Xá Lợi Phất (Thầy Tỉnh Thuần)

    Gương hiếu hạnh Tôn giả Xá Lợi Phất (Thầy Tỉnh Thuần)

    0
    2946

    Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ;

    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

    Mưa ngâu ngậm ngùi thương nhớ mẹ,

    Vu Lan bồi hồi yêu kính cha.

    Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng bảy, người con Phật thường về chùa thiết lễ Vu Lan. Có thể nói, Vu Lan đã trở thành lễ hội truyền thống không chỉ riêng người Phật tử, mà còn chung tất cả những người con đất Việt. Là tại vì, khi sinh ra đời ai cũng có cha lẫn mẹ, và phụ mẫu nào cũng gian khổ nhọc nhằn vì con.

    Tóc con mỗi ngày mỗi đen, là tóc của mẹ mỗi ngày mỗi bạc. Da con từng ngày căng mịn, thì da cha càng ngày chai sạn nhăn nheo.

    Sự đánh đổi của song thân không bút mực nào tả hết được, bởi vì:

    Ngôn ngữ trần gian là túi rách

    Đựng sao đầy hai tiếng cù lao.

    Mùa Vu Lan về, khi được chia sẻ về lòng hiếu thảo, chúng ta thường nghe nhắc đến Ngài Mục Kiền Liên, song bên cạnh đó còn một tấm gương hiếu hạnh sáng ngời mà ít ai được biết, đó là Tôn giả Xá Lợi Phất. Ngài Mục Kiền Liên có duyên độ mẹ khi bà qua đời, còn Tôn giả Xá Lợi Phất đã tìm cách cứu mẫu thân khi mẹ Ngài còn sống.

    Chúng ta hãy cùng nhau lắng động tâm tư, tìm hiểu về lòng hiếu đạo của Tôn giả Xá Lợi Phất.

    Ngài Xá Lợi Phất thuộc dòng dõi Bà La Môn danh giá, Cha Ngài là một Luận Sư nổi tiếng thời bấy giờ. Mẹ Ngài là hàng nữ lưu đoan chính. Khi sinh ra, lúc 8 tuổi, Tôn giả nổi tiếng thông minh xuất chúng, tuy tuổi nhỏ, nhưng có thể thăng tòa luận nghị với các Luận Sư danh tiếng đương thời không hề thua kém. Mẹ Ngài đã đặt hết kỳ vọng danh vị vào người con yêu quý, nhưng không ngờ Tôn giả lại có nhân duyên theo Phật xuất gia.

    Vào Tăng đoàn không bao lâu, Tôn giả Xá Lợi Phất trở thành bậc thượng thủ trong Giáo hội thời bấy giờ, và là cánh tay đắc lực của Đức Thế Tôn trong việc hoằng truyền Phật Pháp. Ngài đã tân tụy lo cho đạo hơn 40 năm trời, trước khi từ biệt cõi đời, Tôn giả đã hướng tâm về người mẹ thân yêu của mình. Mẹ là người mà Tôn giả luôn canh cánh bên lòng. Do vì bà khi sống, không tin Tam Bảo, lòng đầy thành kiến với các vị Sa Môn và Đức Thế Tôn. Bà nghĩ rằng con bà vuột ra khỏi tầm tay yêu thương của mình, rời nhà đi xuất gia là do những vị này quyến rũ, cho nên bà rất thành kiến đối với Chư Tăng.

    Tôn giả biết rõ: Mẹ mình khi sống không tin Tam Bảo, xem thường Đức Phật và Chúng Tăng, lại còn mù quáng tin theo ngoại đạo, thì nghiệp quả rất nặng. Cho nên Ngài luôn tìm phương cách để cứu độ mẹ.

    Sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn từ biệt lần gặp sau cùng, Tôn giả cùng người em là Đại đức Cun Đa và 500 vị Tỳ Kheo ôm bát đi về Na La Ka, nơi mà mẹ Ngài đang cư ngụ nơi đó. Khi về đến đầu làng, Tôn giả cho người vào thông báo là Ngài đã về, và xin mẹ chuẩn bị phòng cho con trai và 500 vị Tỳ Kheo cùng ở.

    Bà mẹ khi hay tin con về lòng rất vui, nhưng trong tâm vẫn còn chút giận dỗi. Sau đó, bà đã cho gia nhân dọn phòng cho Chư Tăng và Ngài Xá Lợi Phất. Căn phòng trong mấy mươi năm đã vắng bóng chủ, nhưng mọi đồ vật trong phòng vẫn được giữ nguyên.

    Sau khi đã hướng dẫn sắp đặt cho Chư Tăng có chỗ ở ổn định. Tôn giả bước vào căn phòng mà ngày xưa Ngài đã được sinh ra và lớn lên nơi đó. Nhìn thấy mọi vật dụng vẫn còn y nguyên như ngày nào, lòng Ngài bỗng dâng lên niềm cảm xúc về thân mẫu và quyết tâm hứa với lòng sẽ tìm cách cứu độ mẹ, làm cho thân mẫu phát khởi lòng tin kính đối với Phật – Pháp – Tăng trước khi Ngài Niết Bàn tịch diệt.

    Sau khi vào phòng uống nước xong, ngồi lên giường, Ngài thị hiện mắc bệnh tả lỵ, Tôn giả phải nhờ người em là Đại đức Cun Đa giúp hộ. Thế rồi, Tôn giả đi tả liên hồi, Đại đức Cun Đa ra vào liên tục giúp đỡ. Người mẹ thấy phòng sáng trưng, trong phòng có tiếng lịch kịch. Bà hé cửa nhìn sang thấy Đại đức Cun Đa tất tả ra vào, bà theo dõi biết rõ bệnh tình của con nên rất thương cảm không tài nào nhắm mắt được.

    Thỉnh thoảng bà lại hé cửa nhìn qua phòng Ngài Xá Lợi Phất. Lúc bấy giờ vào khoảng canh một, bốn vị Thiên Vương gặp nhau, nghĩ rằng họ có bổn phận phải đi thăm bậc Tướng quân Chánh Pháp lần cuối, nên đã dùng thần lực xuống nơi Ngài đang ở, đảnh lễ thăm hỏi, hào quang sáng rực cả căn phòng. Bà mẹ đứng ngoài nhìn vào thấy rất rõ.

    Đến canh hai, lại có những vị Chư Thiên khác đến thăm, hào quang còn rực rỡ hơn các vị Trời lần trước.

    Sang canh ba, có những vị Trời khác đến thăm viếng, thưa hỏi, dung quang sáng ngời cả một vùng trời, chứ không riêng gì phòng Ngài Xá lợi Phất đang ở. Bà Sari đi từ kinh ngạc này đến ngạc nhiên khác, khiến bà vô cùng thắc mắc. Sau khi các vị Thiên từ biệt ra về, bà đã tìm đến, đi vào phòng Tôn giả, vừa thấy Ngài Xá Lợi Phất, bà liền hỏi:

    - Mẹ đến để thăm bệnh con, con hãy cho mẹ biết những vị Trời nào đã đến thăm con vào lúc canh một với hào quang sáng rực cả căn phòng vậy con.

    Tôn giả Xá Lợi Phất mỉm cười, từ tốn thưa:

    - Thưa thân mẫu, đó là bốn vị Đại Thiên Vương.

    Bà mẹ trố mắt nhìn hỏi:

    - Con còn lớn hơn cả Tứ Đại Thiên Vương ư?

    Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời:

    - Mẹ chưa biết, bốn vị Đại Thiên Vương đều là những người hộ trì Phật Pháp. Khi Đức Phật đản sinh, bốn vị Trời này đã đứng bảo vệ tứ phía, như các vệ sĩ thân tín trung thành đứng canh gác cho Đức Vua vậy.

    Bà Sari lại tiếp tục hỏi:

    - Còn những vị Chư Thiên đến vào khoảng canh hai, hào quang còn rực rỡ hơn cả ánh sáng của bốn vị Trời kia là ai vậy con?

    - Thưa mẹ, đó là vị Trời Đế Thích và những vị Thiên cõi Trời Đao Lợi, ở tầng Trời thứ 33 trong các cõi Trời, thế gian hay gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

     Bà mẹ hỏi:

    - Vị ấy trông rất oai phong như vậy mà không bằng con ư?

    Tôn giả thưa:

    - Đối với Đức Tôn Sư, vị Trời kia như một chú Sa Di theo hầu một vị Tỳ Kheo vậy thôi. Khi Đức Thế Tôn từ cung Trời Đao Lợi thăm Thánh mẫu Maya trở về, vị Đế Thích đã mang bát và y cho Đức Phật, đi theo sau Ngài, tiễn Đức Thế Tôn từ cung Trời Đao Lợi về lại cõi nhân gian với tấm lòng cung kính vô ngần.

    Bà mẹ lại giương mắt nhìn, bà không ngờ người con thân yêu đã cách biệt mình mấy mươi năm, nay đã trở thành con người phi thường như vậy, và chắc hẳn những người đi theo con mình cũng không phải là hạng tầm thường. Bà lại hỏi:

    - Thế còn những vị đến sau, hào quang sáng rực cả một vùng trời, thân thể họ nhẹ nhàng, thanh cao, tinh khiết làm sao! Mới thấy họ mà tâm hồn mẹ lâng lâng, tươi mát kỳ lạ. Họ là ai vậy con?

    Tôn giả thưa mẹ:

    - Đấy chính là những vị Đại Phạm Thiên, là những bậc thần linh tối cao mà mẹ đang tôn thờ đấy!

    Bà mẹ ngạc nhiên há hốc mồm. Tâm tư bà bây giờ đây đã hoàn toàn thay đổi hẳn, bà nghĩ: “Đâu có ngờ, con mình lại cao cả đến thế, cho đến các vị Đại Phạm Thiên mà dòng tộc ta tôn thời lễ lạy, từ đời này qua kiếp khác cũng còn phải kính lễ con ta. Và nếu con mình như vậy, thì oai thần của Đức Thế Tôn còn to lớn biết dường nào!”

    Suy nghĩ xong thì tâm hồn ba tràn ngập niềm vui, sự thanh lương, trong lành lan tỏa khắp châu thân. Ngài Xá Lợi Phất biết được sự chuyển đổi trong lòng mẹ và nhân đó Ngài đã thuyết giảng cho mẹ nghe về công hạnh trí tuệ siêu tuyệt, sáng ngời và lòng từ bi bao la vô bờ bến của Đức Phật, và tự ví mình như hạt cát so với sông Hằng, hay như hạt sỏi nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn…

    Thời pháp vừa chấm dứt, thân mẫu đã đắc quả Tu Đà Hoàn, nhập vào dòng Thánh.

    Bà vui mừng quá nói qua giọng nghẹn ngào:

    - Từ nay, mẹ sẽ gọi con là Sa Môn Xá Lợi Phất! Người đã cho mẹ uống những giọt nước ngọt ngào đầy đạo vị, và đã chỉ cho mẹ con đường Chánh Pháp, sáng suốt chơn chánh, không còn sợ lầm lạc nữa. Ôi, quý hóa vô cùng!

    Tôn giả Xá Lợi Phất thấy mẹ tràn ngập trong pháp lạc, Ngài tự nghĩ rằng: “Thế là ta đã báo đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Việc cần làm ta đã hoàn thành. Bổn phận làm con trên cuộc đời đã hoàn tất, đến giờ ta ra đi là phải lẽ hợp thời.”

    Nghĩ xong, Tôn giả liền triệu tập Chư Tăng lại thuyết thời pháp cuối cùng, rồi nằm cát tường nghiêng về bên phải, an trú Đại định từ từ nhập Niết Bàn tịch diệt.

    Qua cuộc đời của Ngài Xá Lợi Phất, đã để lại cho chúng ta tấm gương hiếu hạnh sáng ngời, Tôn giả với tuệ giác siêu việt: Thấy mẹ chưa tin Tam Bảo, tu theo ngoại đạo, có những tâm hành sai quấy, bất thiện với Đức Phật và Chư Tăng…,Ngài đã khéo dùng pháp phương tiện, khiến cho mẹ tin kính Tam Bảo, quay về với Chánh Pháp, xa rời xấu ác, nuôi dưỡng thiện tâm và cuối cùng được dự vào dòng Thánh.

    Điểm đặc biệt về lòng hiếu đạo của Ngài Xá lợi Phất đã tìm cách cứu mẹ khi bà còn sống hiện tiền, khác với Ngài Mục Kiền Liên là độ mẹ khi đã qua đời.

    Thiết nghĩ, những người con chúng ta khi cha mẹ còn sống, chúng ta nên noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Xá Lợi Phất, nếu chưa được một trăm phần, chúng ta cũng cố gắng đôi mươi phần. Nghĩa là:

    Nếu cha mẹ chưa tin Tam Bảo, nên khuyến khích cha mẹ đến với Phật – Pháp – Tăng. Cha mẹ bị tà kiến, ta nên hướng cha mẹ đến chánh kiến. Cha mẹ còn nhiều tâm hành tiêu cực, bất thiện, chúng ta nên giúp cha mẹ làm các việc lành, tránh xa điều ác…, để cha mẹ hiện đời sống an vui hạnh phúc, khi mãn phần, sanh về cảnh giới an lạc tốt đẹp, không bị đọa lạc vào ba đường khổ. Còn nếu như cha mẹ đã qua đời, chúng ta nên gieo trồng các phước lành, siêng năng tu tập, đem phước đức và công đức của mình hồi hướng về cha mẹ, cầu nguyện cho song thân sớm nương từ lực Chư Phật mà thức tâm tỉnh giác, chuyển mê khai ngộ, sinh về cõi lành an vui. Được như vậy, là chúng ta đã đáp đền phần nào thâm ân dưỡng dục trong muôn một đối với song đường.

    Thưa Quý vị! Mùa Vu Lan về nhắc nhở mỗi người con chúng ta nên hồi tâm tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Là tại vì:

    Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

    Dù anh hay chị có được chức vị gì trong cuộc đời, thì xin anh đừng bao giờ quên bầu sữa của mẹ, xin chị đừng quên những giọt mồ hôi mặn nồng trên trán của cha. Món ân tình thiêng liêng đó, chúng ta không thể nào lãng quên được.

    Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, tuệ giác của Tôn giả Xá Lợi Phất soi sáng, gia hộ cho hết thảy chúng ta luôn biết sống hiếu hạnh, tâm hiếu mỗi ngày một tăng trưởng, để hiện tại sống an vui, tương lai sáng lạn tốt đẹp.

    Trân trọng!

    Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức
    Mùa Vu Lan – 2020
    Kính ghi
    Tỳ kheo Tỉnh Thuần

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!