• Trang chủ
  • Ý nghĩa Phật đản (Lời pháp Thầy Thích Tỉnh Thuần)

    Ý nghĩa Phật đản (Lời pháp Thầy Thích Tỉnh Thuần)

    0
    1764

    “Người Phật tử chúng ta cùng nhau thực hành lời Đức Phật dạy để mỗi ngày sống an vui hạnh phúc, giải thoát, bước từng bước chân an lạc như Đức Thế Tôn đã từng bước. Ngồi thảnh thơi an lành như Đức Điều Ngự đã từng ngồi; Trong tất cả mọi thời, nơi cuộc sống Ta luôn có niềm an vui tỉnh tại, là chúng ta đã dâng đóa hoa lòng tươi thắm tinh khiết lên cúng dâng Đức Từ Phụ nhân ngày đản sinh của Ngài”

     

    Sen hồng ta ngát Hương Giải thoát,

    Cho đời đẹp mãi! Ánh Từ quang.

    Ngược dòng thời gian, trải hơn 2.550 năm trôi qua, kể từ ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sự vận hành của quy luật Nhân - Quả đã minh chứng ý nghĩa đích thực của vũ trụ quan và nhân sinh quan mà Đức Thế Tôn để lại cho loài người.

    Đạo Phật vượt thoát hình thức của một tôn giáo, bao trùm lên toàn thể vũ trụ bao la bởi “vạn pháp đều là Phật pháp”.

    Với niềm tri ân đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hàng năm người con Phật trên khắp hành tinh này bằng tất cả tấm lòng thành kính hướng về Đức Như Lai đón mừng ngày Phật Đản sinh; hơn 90% dân số Việt Nam theo Đạo Phật đều vui mừng hân hoan tỏa khắp đất trời.

    Khi Đức Phật được nhắc tới với ý niệm như một vị thần thì thường dùng từ giáng sanh, hàm ý là từ một nơi cao giáng xuống chỗ thấp hơn để sinh ra.

    Lúc lòng chúng ta hân hoan nói rằng, Phật thị hiện nơi cõi đời là để tỏ bày ý nghĩa về sự xuất hiện của Đức Phật bằng xương, bằng thịt cho con mắt thế trần chúng ta thấy được.

    Khi muôn loài biết tri ân Đức Thế Tôn thì sẽ thấu hiểu ý nghĩa của Phật Đản sinh, nghĩa là sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, sáng lạn, tươi mát cho tất cả chúng sanh.

    Còn loài người thường tình được gọi là thác sinh, có nghĩa là chúng hữu tình bị nghiệp lực chi phối, dẫn dắt, sai sử như dòng thác lũ, và khi thác nghiệp đưa đẩy đến đâu... thì có mặt nơi đó. Như chúng ta thấy, thông thường nhiều người muốn sinh nơi gia đình: giàu có, xinh đẹp…, nhưng thác nghiệp lại đưa đẩy vào nhà nghèo hay nơi có hình hài xấu xí… Tóm lại, Đức Phật do nguyện lực hạ sinh, còn con người do nghiệp lực thác sinh.

    Đức Từ Phụ đản sanh ở miền Trung ấn, (bây giờ là nước Nêpal) một quốc gia ở ven sườn Hy-mã-lạp-sơn, là dãy núi cao nhất thế giới.

    Ngày đản sanh của Thái tử Tất đạt Đa khiến cho cảnh vật đẹp lạ thường, hào quang sáng ngời mười phương. Hoàng hậu Ma-da sau khi sinh Thái tử được bảy ngày, Người đã làm tròn nhiệm vụ cao quý, trút bỏ xác phàm sanh về cõi Trời Đao Lợi. Vua Tịnh Phạn, một vị vua thuộc dòng tộc Thích-ca, là dòng họ lớn nhiều đời nối nghiệp trị vì đất nước Ấn độ, đã giao Thái tử Tất Đạt Đa cho người em gái của Hoàng hậu là Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng.

    Tài năng và đức hạnh của Thái tử thực là xứng với sự hội tụ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của bậc Thánh nhân. Từ văn cho đến võ, tất cả các bậc thầy đều khâm phục Ngài, nhưng Thái tử không bao giờ tỏ vẻ cao ngạo, khinh người, thái độ luôn nhã nhặn, ôn hoà, vô tư, bình đẳng. Lòng thương người, yêu vật của Thái tử ít ai sánh kịp. Do vậy, khiến Ngài luôn được Vua cha yêu quý, thần dân nể trọng.

    Vua Tịnh Phạn càng yêu con chừng nào lại càng lo sợ xa con chừng ấy. Bởi vì Đạo sĩ A-tư-đà đã tiên đoán cho Tịnh Phạn vương biết rằng: sau này Thái tử sẽ xuất gia và trở thành Bậc Giác ngộ tối thượng làm Thầy của Trời, Người…

    Những ràng buộc về đời sống vương giả của Thái tử tại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, được Vua cha sắp đặt kỹ càng. Sau đó, Thái tử đã thành hôn với công chúa Da-du-đà-La, con vua Thiện Giác, là người đức hạnh dung nghi vẹn toàn. Nhưng với tư duy siêu phàm của Thái tử đã giúp Ngài nhận rõ được bốn tướng khổ đau nơi cõi đời…, khiến Vua cha bối rối, phải tìm mọi cách để giữ chân Thái tử lại.

    Một hôm, Thái tử xin phép Phụ vương giải đáp cho những điều thắc mắc, nếu Vua Cha quyết nghi được, con xin ở lại hoàng cung, còn nếu không thoả mãn được những nghi vấn, thì xin Phụ hoàng cho con được hoàn thành chí nguyện. Bốn điều Thái tử thắc mắc là:

    - Làm sao cho con có thể trẻ mãi không già.

    - Làm cách gì con có thể khoẻ mạnh mà không đau ốm.

    - Làm thế nào để con sống hoài mà không chết.

    - Làm sao cho mọi người sống an vui hạnh phúc và hết khổ đau.

    Bốn nghi vấn được nêu ra, Vua cha nghe qua đành “vô ngôn, bất lực”. Thế là trong đêm trường thanh vắng Thái tử một mình một ngựa cùng người hầu tên Xa-nặc vượt thành xuất gia.

    Sau thời gian 5 năm tầm học đủ các loại đạo ấn độ thời bấy giờ và 6 năm tu khổ hạnh, nhưng Thái tử vẫn không tìm được chân lý, và rồi Ngài quyết định từ bỏ hết tất cả đến dưới cội cây Tất-Bát-La thiền định. Sau 49 ngày đêm thiền toạ dưới cội Bồ đề, cuối cùng Đức Phật đã giác ngộ chân lý, năm ấy Ngài vừa tròn 35 tuổi.

    Bài pháp đầu tiên mà Đức Thế Tôn thuyết giảng sau ngày thành đạo chính là pháp Tứ Diệu Đế. Đây là nền tảng của mọi kinh điển trong giáo lý Đạo Phật.

    Bốn chân lý vi diệu đó là:

    Khổ đế: Sự thật cuộc đời luôn có mặt của những nỗi khổ niềm đau như: sanh, già, bệnh, chết là khổ; sống chung với người mình không ưa là khổ; xa lìa những người mình yêu mến là khổ...

    Tóm lại, lầm chấp thân ngũ uẩn là gốc của khổ đau.

    Tập đế: Những nỗi khổ niềm đau đó đều có nguyên do của nó, không phải tự nhiên sanh hay do ai trừng phạt mà chính là do vô minh con người gây tạo ra. Vô minh chính là nguyên nhân đưa đến sự bất an khổ đau.

    Diệt đế: Là sự vắng mặt của khổ đau, tức niềm an vui hạnh phúc, hay còn được gọi là Niết-bàn miên viễn; sự liễu đạt có được do sự rời bỏ chấp trước, khước từ và thoát ly khỏi tâm hành si mê lầm chấp.

    Đạo đế: Là phương pháp để đạt được giác ngộ an lạc giải thoát tức 37 phẩm trợ đạo thành tựu tâm nguyện.

    Đức Thế Tôn tuỳ theo thứ lớp, căn cơ mở bày phương tiện giáo hoá với tâm từ bi bình đẳng. Trong suốt 49 năm thuyết pháp với kinh nghiệm thực chứng, Ngài đã đem lại sự hoá độ viên mãn, làm lợi ích rộng lớn cho chư Thiên và loài Người.

    Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật đã di chúc lời căn dặn cuối cùng cho các đệ tử:

    Này Chư vị Tỳ kheo! Mọi vật ở trên đời không có gì quý giá. Tất cả rồi sẽ tan hoại trở về với cát bụi tự tính vốn không. Chỉ có Đạo giác ngộ là quý báu. Chỉ có Chân lý là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi những người đệ tử thân yêu của Như Lai với lý tưởng tâm nguyện sáng ngời …”.

    Người con Phật tri ân Đức Thế Tôn xin nguyện học và hành theo lời dạy của Ngài.

    Với muôn vàn pháp môn tu tập, Đức Phật đã mở bày vô vàn cánh cửa phương tiện cho mọi tầng lớp chúng sanh đầy đủ thiện duyên bước vào ngôi nhà Chánh pháp.

    Hôm nay nhân ngày kỷ niệm Đức Từ Phụ đản sanh, người Phật tử chúng ta cùng nhau thực hành lời Đức Phật dạy để mỗi ngày sống an vui hạnh phúc, giải thoát, bước từng bước chân an lạc như Đức Thế Tôn đã từng bước. Ngồi thảnh thơi an lành như Đức Điều Ngự đã từng ngồi; Trong tất cả mọi thời, nơi cuộc sống Ta luôn có niềm an vui tỉnh tại, là chúng ta đã dâng đóa hoa lòng tươi thắm tinh khiết lên cúng dâng Đức Từ Phụ nhân ngày đản sinh của Ngài, và tin rằng từ nơi tòa sen tươi mát Đức Thế Tôn mỉm cười với nụ cười an nhiên tỉnh lặng chứng minh cho lòng thành của chúng ta. Nguyện cầu uy lực Đấng Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi gia hộ toàn thể chúng ta luôn được thân tâm an lạc, dịch bệnh sớm tiêu trừ, chúng sinh sống an lạc, Bồ đề tâm viên mãn.

    Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ hạ thị hiện đản Sinh Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tác đại chứng minh.

     

    Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức
    Mùa Phật Đản PL.2564 - DL.2020
                   Kính ghi
               T.Tỉnh Thuần

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!