• Trang chủ
  • 55 pháp cần phải được tu tập - Lời Phật dạy

    55 pháp cần phải được tu tập - Lời Phật dạy

    0
    2149

    Năm mươi lăm pháp này là thực, chân, như thị, không phải không như thị, không thể sai khác, được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.

    Thế nào là năm mươi lăm pháp cần phải tu tập?
    1. Niệm thân câu hữu với khả ý. 
    2. Hai pháp Chỉ và quán.
    3. Ba định: Hữu tầm hữu tứ định, vô tầm hữu tứ định, vô tầm vô tứ định.
    4. Bốn niệm xứ: Này các Hiền giả, ở đây vị Tỳ kheo quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để diệt trừ tham sân ở đời; quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để diệt trừ tham sân ở đời. 
    5. Năm chánh định chi: Hỷ biến mãn, lạc biến mãn, tâm biến mãn, quang biến mãn, quán sát tướng.
    6. Sáu tùy niệm xứ: Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng tùy niệm, Giới tùy niệm, Thí tùy niệm, Thiên tùy niệm.
    7. Bảy giác chi: Niệm Giác chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi, Ðịnh Giác chi, Xả Giác chi. 
    8. Tám Thánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
    9. Chín thanh tịnh cần chi: Giới hạnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi, kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đoạn nghi thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi, giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi.
    10. Mười biến xứ: Một vị nào biết được địa biến xứ: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Một vị biết được thủy biến... Một vị biết được hỏa biến... Một vị biết được phong biến... Một vị biết được thanh biến... Một vị biết được hoàng biến... Một vị biết được xích biến... Một vị biết được bạch biến... Một vị biết được hư không biến... Một vị biết được thức biến xứ: trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.

    Năm mươi lăm pháp này là chơn, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác được Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.

    - Trích Kinh Thập Thượng (Dasuttara sutta) -

    Chú thích:

    1. Câu hữu với khả ý là thiền tương ưng lạc. Thân hành niệm là đề tài tu tập dẫn đến thiền hỷ lạc.
    2. - Chỉ hay chỉ tịnh là thiền vắng lặng, pháp môn tu tập lấy 40 nghiệp xứ làm đề mục. Sự tu tập này giúp chế ngự 5 triền cái và an trú 3 định.
    - Quán tức là thiền quán, minh sát, thiền tuệ. Pháp môn tu tập dựa trên đề mục 4 niệm xứ để giác ngộ niết bàn, chứng đạo quả.
    3. - Hữu tầm hữu tứ định, là một trạng thái định thiền có tầm, có tứ. Tức là định trong sơ thiền.
    - Vô tầm hữu tứ định, là một trạng thái định thiền không còn tầm, nhưng có tứ. Tức là định trong nhị thiền.
    - Vô tầm vô tứ định, là là một trạng thái định thiền không còn tầm, không còn tứ. Tức là định trong tam thiền trở lên.
    4. Bốn niệm xứ: Xem Kinh Đại niệm xứ.
    5. Năm chánh định chi tức là 5 chi phần chánh định:
    - Hỷ biến mãn, ám chỉ định nhị thiền, một trạng thái chánh định với hỷ sung mãn.
    - Lạc biến mãn, ám chỉ định tam thiền, một trạng thái chánh định với lạc sung mãn.
    - Tâm biến mãn, ám chỉ tha tâm thông, một trạng thái chánh định nhạy bén về tác ý, biết được tâm người khác. 
    - Quang biến mãn: ám chỉ thiên nhãn thông, một trạng thái chánh định nhạy bén về tác ý, thấy được các sắc gần và xa, thô và tế.
    - Quán sát tướng hay phản kháng tướng, ám chỉ tuệ quán chiếu kiến danh sắc, một trạng thái chánh định nhạy bén sát trừ phiền não.
    6. Không chú thích.
    8. Không chú thích.
    9. Chín thanh tịnh cần chi là 9 chi thanh tịnh cần: Giới tịnh; Tâm tịnh; Kiến tịnh; Đoạn nghi tịnh; Đạo phi đạo tri kiến tịnh; Hành lộ tri kiến tịnh; Tri kiến tịnh; Tuệ tịnh; Giải thoát tịnh.
    10. Mười biến xứ:
    - Biến xứ đất: Biết rõ về đất: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.
    - Biến xứ nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, thức: Biết rõ về nước, lửa, gió, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hư không, thức tâm: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.
    [Có sử dụng một số pháp số trong Kho tàng Pháp học - Bodhisilabhikkhu]

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!